Các trung tâm dữ liệu chủ yếu sử dụng các nguồn năng lượng không bền vững. Công suất trung tâm dữ liệu tăng nhanh hơn nhiều tốc độ phát triển của năng lượng carbon thấp. Điều đó có thể cản trở nỗ lực của một tập đoàn công nghệ và nhà phát triển trung tâm dữ liệu nhằm đưa lượng phát thải ròng của carbon về zero (Net-Zero).
-Một trung tâm dữ liệu ở thành phố Trung Vệ thuộc khu tự trị Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ. (Ảnh: Xinhua)
Công suất của các trung tâm dữ liệu ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương (APAC) dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2028 nhờ làn sóng phổ cập trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng bùng nổ này sẽ gây áp lực lên nguồn nước (được sử dụng để làm mát trung tâm dữ liệu) và tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở khu vực, theo hãng xếp hãng tín nhiệm nợ quốc tế Moody’s Ratings.
564 tỉ đô la đổ vào các trung tâm dữ liệu mới ở châu Á
Báo cáo mới đây của Moody’s dự báo, nguồn tiền đầu tư khổng lồ khoảng 564 tỉ đô la Mỹ sẽ đưa công suất trung tâm dữ liệu của APAC đạt 24.800 MW vào năm 2028. Con số này cao hơn gấp đôi so với hiện nay. APAC dự kiến chiếm khoảng 30% công suất trung tâm dữ liệu tăng thêm trên toàn cầu trong 5 năm tới.
Moody’s giải thích, khi càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ liên quan đến AI được phát triển, khu vực APAC sẽ cần nhiều năng lực điện toán hơn.
Theo Moody’s, công suất trung tâm dữ liệu hơn 4.400MW đang được xây dựng tại các thị trường trọng điểm của APAC. Khoảng 75% trong số đó là ở Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Hầu hết công suất mới này sẽ đạt trước năm 2025. Công suất tại các thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi, gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines sẽ tăng trưởng từ 29-48% cho đến năm 2025.
Moody’s nhận định, với công suất hiện tại 973 MW, Singapore vẫn là trung tâm dữ liệu lớn nhất của Đông Nam Á, bất chấp các quy định nghiêm ngặt bao gồm phải sử dụng hạn mức năng lượng tái tạo nhất định hàng năm. Các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Microsoft Amazon.com, Alphabet, Oracle Corporation, Meta Platforms, Alibaba Group, Tencent Holdings đang sở hữu và vận hành nhiều trung tâm dữ liệu ở APAC.
Một báo cáo khác của S&P Global Market Intelligence cũng nhận định, cơn bùng nổ đầu tư phát triển phần mềm AI tạo sinh ở APAC sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường trung tâm dữ liệu trong khu vực.
Melissa Incera, nhà phân tích nghiên cứu dữ liệu và AI của S&P Global ghi nhận, Mỹ hiện là thị trường lớn AI tạo sinh lớn nhất, chiếm khoảng 63% doanh thu toàn cầu.
Tuy nhiên, bà lưu ý, thị phần doanh thu từ các dịch vụ Ai tạo sinh ở Bắc Mỹ sẽ giảm dần nhưng tăng lên ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là APAC nhờ sự đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu.
S&P Global dự báo, APAC sẽ chứng kiến thị phần doanh thu toàn cầu tăng mạn nhất trong lĩnh vực phần mềm AI tạo sinh vào năm 2028, với tăng từ 14% hiện tại lên 20% trong 5 năm. Trong khi đó, thị phần của Bắc Mỹ sẽ giảm từ 63% xuống còn 55% trong cùng giai đoạn.
Gây áp lực nguồn nước và lộ trình Net-Zero
Tuy nhiên, Moody’s cảnh báo, làn sóng xây dựng trung tâm dữ liệu mới ở APAC có thể làm gia tăng căng thẳng về quản lý nguồn nước và chuyển đổi năng lượng sạch trong khu vực. Điều đó sẽ đặt ra thách thức lớn cho các nhà khai thác trung tâm dữ liệu và nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, theo Nidhi Dhruv, Phó Chủ tịch Moody’s.
“Các trung tâm dữ liệu chủ yếu sử dụng các nguồn năng lượng không bền vững. Công suất trung tâm dữ liệu tăng nhanh hơn nhiều tốc độ phát triển của năng lượng carbon thấp. Điều đó có thể cản trở nỗ lực của một tập đoàn công nghệ và nhà phát triển trung tâm dữ liệu nhằm đưa lượng phát thải ròng của carbon về zero (Net-Zero)”, Dhruv viết trong báo cáo.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu ngày càng tăng và việc phổ cập các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ điện của trung tâm dữ liệu trên toàn cầu tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2022-2026. Do đó, cần nguồn năng lượng rất lớn để trì hoạt động của các máy chủ và làm mát chúng.
Tuy nhiên, hầu hết các nước ở APAC chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất ra điện. Trung Quốc, thị trường trung tâm dữ liệu lớn nhất của khu vực với công suất 3.956 MW, phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng than. Điện than chiếm gần 2/3 sản lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hồi năm ngoái.
Căng thẳng về nước gia tăng ở một số thị trường châu Á cũng có thể dẫn đến gián đoạn dịch vụ vì nước rất cần thiết để làm mát và duy trì độ ẩm cho trung tâm dữ liệu.
Theo tổ chức phi lợi nhuận China Water Risk, trụ sở ở Hồng Kông, các trung tâm dữ liệu của Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1,3 nghìn tỉ mét khối nước mỗi năm, đủ dùng cho 26 triệu người. Khi nhiều trung tâm dữ liệu xây dựng thêm ở Trung Quốc, con số đó có thể lên hơn 3 tỉ mét khối vào năm 2030, cao hơn nhu cầu nước ở Hàn Quốc.
Để đáp ứng các cam kết về khí hậu, chính phủ các nước APAC bắt đầu quản lý tác động môi trường của trung tâm dữ liệu. Tuần trước, Trung Quốc công bố kế hoạch hành động về phát triển bền vững trung tâm dữ liệu, đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo Moody’s, sự tăng trưởng nhanh chóng của các trung tâm dữ liệu cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng. Do đó, mạng lưới năng lượng trong khu vực có thể cần phải nâng cấp công suất để đáp ứng nhu cầu này.
Moody’s cho biết, các nhà phát triển và khách thuê trung tâm dữ liệu, đặc biệt là ở các thị trường có mục tiêu Net-Zero, được khuyến khích ký các thỏa thuận mua bán điện năng lượng tái tạo trong dài hạn để hạn chế rủi ro đối với tiến trình chuyển đổi sang carbon thấp.
Chánh Tài (Theo SCMP, Tech Node)
Nguồn: KTSG Online