top of page

ĐÔ THỊ THÔNG MINH: BẮT ĐẦU TỪ CHIẾU SÁNG THÔNG MINH!



Thành phố của những ngọn đèn thông minh: Nơi câu chuyện bắt đầu

Có lẽ không có thành phố nào ở Hoa Kỳ có thể vượt mặt San Diego về việc áp dụng các phát kiến thông minh. Thành phố 1,4 triệu dân này từng được National Geographic làm thành phim tài liệu - thành phố đầu tiên của Hoa Kỳ nhận được vinh dự này tại thời điểm đó. (Nguồn: thông tin từ website Thành phố Sandiego).

Năm 2014, chính quyền thành phố San Diego (tiểu bang California – Hoa Kỳ) hợp tác với General Electric để lắp đặt hơn 3.000 đèn đường vào hệ thống không dây nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải nhà kính (Nguồn: Với động thái này, thành phố có thể điều khiển những ngọn đèn từ xa, tiết kiệm hơn ¼ triệu đô-la tiền năng lượng và bảo trì mỗi năm. Tuy nhiên, chính quyền thành phố biết rằng những ngọn đèn đường còn có công dụng nhiều hơn thế. Chính vì vậy, họ tiến hành lắp đặt đèn đường thông minh hơn, có tính năng giám sát chỗ đỗ xe, theo dõi những hoạt động phạm pháp, thậm chí đo lường chất lượng không khí trên nền tảng giao tiếp IoT (Internet of Thing riêng biệt). Thành phố dự tính sẽ lắp đặt thêm 14.000 ngọn đèn đường nữa với hy vọng giảm 2,4 triệu đô-la chi phí năng lượng mỗi năm. Bằng hệ thống đèn này, San Diego có thể tiết kiệm được 4 triệu đô-la tiền thuế mỗi năm.

Bài học nào chúng ta có thể tham khảo cho Việt Nam? Nếu chiếu theo kinh nghiệm của San Diego nói trên, việc nâng cấp hệ thống chiếu sáng truyền thống lên hệ thống đèn đường thông minh không chỉ giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và mở ra mạng lưới hạ tầng kết nối mạng lưới cảm biến, từ đó làm nền tảng cho việc phát triển mạng lưới cảm biến không dây phục vụ việc thu thập dữ liệu, tự động hóa điều khiển thiết bị từ xa và mở rộng các ứng dụng quản lý giao thông thông minh (quan trắc môi trường, giám sát camera an ninh, cảnh báo kẹt xe..), có thể là một chọn lựa “một công đôi chuyện” cho phát triển đô thị thông minh.

Đô thị thông minh ở Việt Nam: chọn lựa trụ cột nào để phát triển trước?

Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ... là những TP đầu tiên phát triển đô thị thông minh (giao thông, y tế, giáo dục thông minh...). Tuy nhiên, những rào cản về hạ tầng dữ liệu, nguồn vốn, cơ chế chính sách... đang khiến mô hình này gặp khó khăn. Thực tế triển khai cho thấy vẫn còn tình trạng độc lập, manh mún; hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị chưa hoàn thành là một rào cản khá lớn; nhiều dự án được xây dựng chỉ để giải quyết một vấn đề riêng lẻ của một cơ quan quản lý mà ít có chia sẻ.

Trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều hạn chế, chọn lựa nút thắt nào để khởi đầu quá trình chuyển đổi số trong quản lý Đô Thị thông minh là chủ đề đang còn có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) ngày 22/10/2020: “Phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình”.

Theo thống kê trong báo cáo “Smart City Use Cases & Technology Adoption Report 2020”, phỏng vấn lãnh đạo 50 thành phố lớn nhất trên thế giới (Luân Đôn, Bắc Kinh, Berlin, New York, ...), kết quả cho thấy tốp đầu là các giải pháp về quản lý giao thông thông minh, tiếp đó là đèn đường thông minh và hệ sinh thái đi kèm (quan trắc môi trường, đo lường chất lượng không khí, đo lường tiêu thụ năng lượng, cảnh báo cháy nổ ...). Như vậy, lĩnh vực chiếu sáng đô thị có thể là một bước đột phá nếu được chọn lựa và quan tâm đúng mức, đặc biệt là tính khả thi về mặt công nghệ và dễ dàng nâng cấp.

Chiếu sáng thông minh: con đường không xa ở Việt Nam!

Hơn 30 năm qua, trên tất cả 800 đô thị của nước ta đều có hệ thống chiếu sáng công cộng, từ đường phố, công viên, không gian công cộng cho đến ngõ phố. Đây là cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát triển, nâng cao đời sống đô thị. Tuy nhiên, công nghệ hệ thống chiếu sáng công cộng ở Việt Nam chủ yếu vẫn là đèn cao áp vốn đã lạc hậu khá xa so với xu hướng chiếu sáng trên thế giới. Tại hội thảo bàn tròn “Quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng – Thực trạng và giải pháp” do Hội Chiếu sáng Việt Nam tổ chức vào đầu năm 2016, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Hapulico cho biết: “Hiện nay, hệ thống đèn LED dùng cho chiếu sáng công cộng chỉ chiếm khoảng 5%”.


Mô hình chiếu sáng thông minh Connected Luminaires Platform của Công ty CP Công nghệ VIoT


Nâng cấp hệ thống chiếu sáng truyền thống thành hệ thống chiếu sáng thông minh đang là xu hướng được nhiều thành phố lớn trên cả thế giới áp dụng trong hành trình chuyển đổi thành Đô thị thông minh: Miami, Paris, Madrid, Los Angeles, ... (nguồn: Báo cáo Connected Streetlight report 2018). Với công nghệ đèn LED kết nối, các thiết bị không dây kết nối IoT có thể điều khiển cường độ dòng điện đi qua bóng LED bán dẫn, từ đó cho phép giảm cường độ chiếu sáng (dimming) ở những thời điểm ít sử dụng đèn đường, giúp giảm tiêu thụ điện lên đến 35% mà vẫn duy trì chất lượng chiếu sáng khi cần thiết. Công ty CP Công nghệ VIoT là một trong các đơn vị tiên phong trong việc cung cấp giải pháp chiếu sáng thông minh – đồng thời, cũng mở ra nền tảng kết nối mạng lưới cảm biến không dây phục vụ cho quản lý đô thị thông minh. Giải pháp của đã được ứng dụng tại Tp Buôn Ma Thuộc, Sân bay Buôn Ma Thuộc, sân golf EcoPark.

Mới đây, trong tháng 4/2021, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ về dự án thành phố thông minh và tiết kiệm năng lượng tại Cần Thơ (SEECP Cần Thơ). Theo đề xuất của ADB, dự án có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 67,29 triệu USD (tương đương trên 1.560 tỷ đồng), dự kiến dùng để phát triển cơ sở hạ tầng thành phố thông minh và tiết kiệm năng lượng với đèn LED và công nghệ thông minh trong chiếu sáng công cộng và các tòa nhà công cộng.

Như vậy, có thể nói, xu hướng ứng dụng nâng cấp hệ thống chiếu sáng thông minh chính là điểm khởi đầu trong việc giải bài toán tốt ưu hóa tiêu thụ năng lượng, nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị, giảm tác động đến môi trường và hình thành nền tảng phục vụ quản lý đô thị trong tương lai.


NGUYỄN BÁCH VIỆT – CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CỔ PHẦN VIOT








406 lượt xem
bottom of page