"Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, muốn tăng trưởng nhanh tất yếu không tránh khỏi phải đứng trước những lựa chọn đánh đổi. Bao giờ chúng ta đạt được trình độ như các nước phát triển khác thì hãy nói về ESG và các vấn đề bền vững, còn bây giờ đó là những câu chuyện viển vông, xa vời". Tôi thường nghe những lập luận đại ý như vậy và đó cũng là một trong những rào cản cho nỗ lực thực thi phát triển bền vững ở Việt Nam.
Phát triển bền vững là lĩnh vực xuyên ngành (transdisciplinary), đa lĩnh vực. Phát triển bền vững liên quan đến hàng loạt vấn đề như xóa đói giảm nghèo, hòa hợp dân tộc, đa dạng văn hóa, xung đột liên thế hệ, đa dạng sinh học, kinh tế học sinh thái, phân phối công bằng, sức khỏe cộng đồng...
Quản trị kinh doanh bền vững chỉ là một cấu thành nhỏ trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Nghĩa là, phát triển bền vững thực thụ có những quan tâm vượt qua các giới hạn của ESG: Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp (DN), là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của DN. Nói cách khác, động lực của ESG chủ yếu đến từ yêu cầu của thị trường, nhà đầu tư và định hướng quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp.
Về mặt lịch sử, bản chất ESG là tiến hóa từ khái niệm CSR (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội) truyền thống được phát triển và dẫn dắt bởi Carroll. Tuy vậy, hiện nhiều nơi vẫn còn chưa nắm bắt rõ nguyên lý Carroll nhưng đã vội vàng áp dụng ESG một cách hời hợt, phong trào, tiềm ẩn đối diện với nguy cơ cáo buộc tẩy xanh, gian dối.
CSR có 4 cấu thành quan trọng, trong đó, trách nhiệm đầu tiên của DN là lợi nhuận. DN có trách nhiệm trước hết phải không thua lỗ. Khi thua lỗ, DN trở thành gánh nặng của xã hội, DN đã chuyển rủi ro qua cho xã hội gánh những khoản nợ và hậu quả của nó. Thứ hai là trách nhiệm pháp luật: việc thu lợi nhuận dựa trên sự tuân thủ pháp luật, không lừa dối, không trốn thuế. Thứ ba là trách nhiệm đạo đức liên quan đến môi trường, xã hội: phải tuân thủ quyền cơ bản của con người, quyền được sống của muôn loài, không được phép hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, xả thải ra môi trường để tăng lợi nhuận cho bản thân. Thứ tư là trách nhiệm thiện nguyện, tức chia sẻ với xã hội. Điều quan trọng là DN làm từ thiện bằng lợi nhuận hợp pháp, thu nhập chính đáng. Điều này khác với lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi.
DN cần coi ESG là một quy trình chứ không phải là một sản phẩm. Tựa như chuỗi DNA, ESG phải được "nhúng" vào tất cả quy trình của DN để DN chuyển đổi bền vững một cách toàn diện, từ mô hình quản lý, mô hình kinh doanh đến xanh hóa công nghệ... Hiện nay, phần lớn báo cáo bền vững của DN vẫn còn mang tính chất liệt kê các hoạt động CSR, trong khi bền vững phải dựa trên tiến bộ khoa học, lý thuyết hệ thống. Các hoạt động thiện nguyện, trách nhiệm xã hội thuần túy là lý thuyết quy chuẩn, đạo đức.
Báo cáo bền vững của DN cần phải được bên thứ ba xác minh, thông tin có thể truy gốc và tính tái lập phải được bảo đảm. Quan trọng hơn là phải có nghiên cứu về tác động của những chương trình hoạt động đầu tư vào xã hội. Bởi, có những việc DN làm tưởng là tốt nhưng vẫn có tác động tiêu cực với môi trường, xã hội, văn hóa về lâu dài là lớn hơn so với lợi ích kinh tế trước mắt...
Không những vậy, còn phải có cả đánh giá tác động vòng đời sản phẩm ảnh hưởng tốt ra sao, xấu thế nào để sau này cải thiện bằng cách giảm được tác động xấu và phát huy tác động tốt.
Chúng tôi cũng thường nghe một số DN quảng bá về việc "rất quan tâm đến người lao động". Cá nhân tôi, khi tham quan DN, việc đầu tiên là tôi xuống nhà ăn để xem chất lượng bữa ăn, cách tổ chức ăn nghỉ cho công nhân thế nào. Hay khi DN nói "ưu tiên nữ quyền", hãy xem cách bố trí nhà vệ sinh nam, nữ. Đây là điều tinh tế, bởi cùng nhu cầu và số lượng, thì tiện ích dành cho nữ giới phải được ưu tiên hơn 5, 10 lần nam giới do phụ nữ cần nhiều không gian và thời gian sử dụng hơn. Chưa nói, phụ nữ còn có những "ngày đặc biệt", trong thai kỳ... Bình đẳng giới cần phải thực chất, hơn là hình thức.
ESG là một xu hướng tiến bộ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, DN khi tham gia ESG cần phải khôn ngoan để tránh rơi vào "bẫy": bẫy năng lực, bẫy chi phí. Nếu làm ít, nói nhiều, tuyên bố vượt quá năng lực thì DN trở thành gian dối. Còn nếu đầu tư quá tay hoặc đầu tư quá sớm thì có thể thất bại, ví dụ như trường hợp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đang khó khăn vì đầu ra, về công nợ. Thực ra, với các DN vừa và nhỏ, chỉ cần DN không lừa dối ai, tuân thủ pháp luật, biết chăm lo cho người lao động đã là "đóng góp vào phát triển bền vững".
Hẳn nhiều người còn nhớ vụ bê bối kiện tụng do khai gian khí thải của Volkwagens, chính là do hãng xe này "nói quá" mà bị quy kết là gian dối. Ở Việt Nam, có thể chưa có những chế tài liên quan đến phát triển bền vững nhưng đã có các quy định xử lý vi phạm quảng cáo sai sự thật, chống cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, nếu DN tuyên bố về ESG một cách không thận trọng, đưa ra những thông tin sai sự thật, làm 1 nói 10 thì vẫn có thể đối mặt với rủi ro bị cáo buộc gian dối, tẩy xanh.
Mục tiêu của bất cứ DN nào trước hết cũng là lợi nhuận. Phải có lợi nhuận thì DN mới tồn tại được. Tuy nhiên, khi thực thi ESG, công nghệ càng xanh, càng sạch càng đắt đỏ. Vậy nên, các DN khi tham gia ESG cần "liệu cơm gắp mắm", "sức đến đâu làm đến đó", "sức đến đâu nói đến đó" chứ không nên nói quá về năng lực để rồi tự mình tạo ra nguy cơ bị quy kết gian dối. Khi nói quá về thành tích, DN sẽ phải đối diện với khủng hoảng. Một là khủng hoảng về truyền thông, hai là khủng hoảng về thực thi (nói quá dẫn đến việc trót "ném lao phải theo lao"). Giữa cổ đông (shareholders) và những đối tượng có quyền lợi liên quan (stakeholder) thường có tính đối kháng, và cần làm sao để cổ đông đồng thuận với việc dùng lợi nhuận để tái đầu tư cho cộng đồng, là một phần chiến lược quản trị kinh doanh bền vững.
DN khi tham gia ESG cần "liệu cơm gắp mắm" (Minh họa: VIoT).
Trước mắt ở Việt Nam, với những điều kiện hiện tại, DN vẫn phải chấp nhận những sự đánh đổi ở một mức độ nhất định, nhưng tác động tiêu cực phải giảm dần theo thời gian, tùy vào đặc thù của từng ngành nghề mà có những đo lường nhất định. Thực thi ESG đầy đủ là rất khó, không thể "dục tốc bất đạt" mà cần phải trải qua quá trình tiệm tiến từng bước; không có điểm dừng và không cho phép dừng lại, phải luôn tiến về phía trước.
Phát triển bền vững cần phải có sự phối hợp, hợp tác giữa Chính phủ, DN và người dân. Trong đó, Chính phủ có vai trò "mở đường dẫn lối" bằng chính sách. Sức mạnh của một nền kinh tế phải dựa vào khoa học kỹ thuật. Khi quốc gia không chủ động được công nghệ và phải sử dụng công nghệ nhập khẩu thì đương nhiên giá thành sẽ cao. Muốn chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thì sẽ cần phải chủ động được công nghệ. "Thiên nhiên là mẹ, công nghệ là cha". Nếu không có trụ cột công nghệ thì rất khó chuyển đổi bền vững.
Chúng ta thường được chia sẻ, và nhắc lại, rằng: "Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai". Tuy nhiên, đây cũng là một định nghĩa khiếm khuyết. Phát triển bền vững phải bắt đầu từ sự quan tâm đến bất công trong cùng một thế hệ, chứ không chỉ là giữa các thế hệ. Ngày mai bắt đầu từ hôm nay, do đó, nếu thế hệ hôm nay không làm tốt nghĩa vụ của mình, thì không thể lo liệu được cho thế hệ mai này.
Trích: Tiến sĩ Phạm Việt Anh