top of page

Khuyến khích phát triển đô thị thông minh để mang lại cơ hội cho startup

Phát triển đô thị thông minh (smartcity) là cơ hội để vượt qua những khó khăn từ đại dịch Covid-19, theo ông Dương Công Đức thuộc Tập đoàn Viễn thông - Công nghệ Viettel. Công nghệ 4.0 tại Việt Nam đã chín muồi để khởi động một đô thị công nghệ trong nước.


Sau giai đoạn 1 - xây dựng khung kiến trúc và chỉ số đo lường đã cho nhiều kết quả, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) trong giai đoạn 2 - từ nay đến 2025. Giai đoạn 3 - từ 2025 đến 2030 - là xây dựng các ĐTTM trên toàn quốc.

Trong giai đoạn 2 và 3, mỗi doanh nghiệp (DN) công nghệ đều có cơ hội kiến tạo hệ sinh thái ĐTTM, theo ông Dương Công Đức. Các bài toán về quản lý, vận hành đô thị cần được giải quyết sẽ là cơ hội dồi dào cho các DN lớn và nhỏ tham gia phát triển. DN lớn sẽ giúp đầu tư về hạ tầng, nền tảng cho DN khởi nghiệp. Riêng Viettel mong muốn được hợp tác với cộng đồng DN để giải quyết các bài toán ĐTTM từ nền tảng phát triển hạ tầng số của mình.

Đồng tình với ông Dương Công Đức, ông Phan Văn Hưng - CTO Cen Group cho rằng PropTech - startup trong lĩnh vực bất động sản - sẽ có nhiều cơ hội trong ĐTTM bằng cách đóng góp các căn nhà thông minh trong đô thị này. PropTech sẽ hợp tác và giao thoa với nhiều lĩnh vực trong mô hình kinh tế chia sẻ. Thị trường bất động sản chiếm 20,8% nền kinh tế trong nước năm 2020, mang lại khoảng 12,5 tỷ USD. Không gian phát triển của PropTech trong ĐTTM rất lớn.

Hạ tầng số dành cho ĐTTM ở Việt Nam có nhiều tiến triển và PropTech trong nước đang được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý. Theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans, thị trường PropTech tại Việt Nam còn mới mẻ và có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư hơn so với các thị trường đã phát triển.

Trong đại dịch, xu hướng thu thập dữ liệu tập trung đã diễn ra tại nhiều quốc gia để thu thập dữ liệu từ cấp cao chứ không còn chỉ ở cấp cá nhân. Dữ liệu này sẽ là tiền đề cho các giải pháp ĐTTM, theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm. Những giải pháp về ĐTTM sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế và quản lý đô thị. Các nhà đầu tư kỳ vọng Chính phủ và startup Việt Nam sẽ sớm đem những giải pháp đang nghiên cứu vào thực tiễn.

Tại các thành phố thông minh trên thế giới, xu hướng giao dịch không chạm, thu thập dữ liệu tập trung và công nghệ AI đều đã được áp dụng và hướng tới các giải pháp sâu hơn như phương tiện công cộng không người lái, thanh toán bằng mắt để điều hành ĐTTM. Còn giải pháp AI tại Việt Nam thì mới chỉ áp dụng được ở một vài lĩnh vực nhất định. Bà kỳ vọng trong những năm tiếp theo, cường độ chuyển đổi số sẽ vẫn tiếp tục cao và Việt Nam có thể đón đầu xu hướng đó.

Để hỗ trợ cho quá trình phát triển ĐTTM, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, ông Trần Văn Tùng - Thứ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết. Vì vậy, số lượng DN và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) đang tăng cao và hệ sinh thái KNĐMST đang ngày càng hoàn thiện. Hệ sinh thái trong nước đã được tạo điều kiện để giao lưu với hệ sinh thái các nước ngoài. Và đây sẽ là đòn bẩy để startup vươn ra thế giới và giúp cho Việt Nam trở thành trung tâm KNĐMST tại khu vực. ĐTTM từ đó sẽ phát triển tiệm cận với các kỹ thuật hiện đại trên thế giới.


Những giải pháp về đô thị thông minh sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế và quản lý đô thị


Thông tin trên được ghi nhận tại Hội nghị Startup với thành phố thông minh, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức vào ngày 6/11. Hội nghị nằm trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia TECHFEST Việt Nam 2021, được VINASA, Câu lạc bộ Đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ số (VDI) thuộc nhiệm vụ Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Làng Đô thị Thông minh và Công nghệ Bất động sản đồng tổ chức. Đây cũng là hoạt động thuộc đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Bên cạnh Hội nghị, các startup đã tham gia pitching và matching với các nhà đầu tư và quỹ đầu tư. Ba startup tiêu biểu được chọn vào giải cao nhất bao gồm Công ty VIoT - giải nhất, Công ty trách nhiệm hữu hạn STVG - giải nhì và Công ty TUBUDD - giải ba. Công ty VIoT hiện thực hóa tiềm năng thị trường IoT và các ứng dụng thiết thực của công nghệ này trong lĩnh vực phát triển ĐTTM.

Công ty trách nhiệm hữu hạn STVG nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong mọi lĩnh vực xã hội. Công ty TUBUDD là nền tảng công nghệ kết nối du khách và bạn bè địa phương trên toàn thế giới.

Thông qua chương trình này, Ban tổ chức hy vọng mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các startup, đặc biệt tìm kiếm được startup có các giải pháp thông minh cho thành phố để xây dựng Việt Nam ngày càng phát triển, bền vững, phồn vinh và thịnh vượng.



Theo Mỹ Huyền - Báo doanh nhân Sài Gòn

42 lượt xem
bottom of page