Trong giai đoạn đầu, các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Dự kiến có khoảng 200 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ozone.
Chuẩn bị cho thị trường carbon
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thời gian qua, cơ quan này đã nhận được một số kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế đề xuất bổ sung quy định cụ thể hơn về kiểm kê khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon, quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý của nhà nước.
Một số kiến nghị điều chỉnh một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thực hiện các chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.
Do đó, theo Bộ TN&MT việc xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 là cần thiết để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon và bảo vệ tầng ozone, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Bổ sung quy định cụ thể hơn về kiểm kê khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, quản lý tín chỉ carbon.
Trong đó, dự thảo đã sửa đổi bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho thị trường carbon.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở được phân bổ hạn ngạch để tham gia thị trường carbon.
Nghị định 06 quy định cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc UBND các tỉnh cấp tỉnh thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cho toàn bộ các cơ sở phải thực hiện kiểm kê. Tuy nhiên, kết quả kiểm kê khí nhà kính phải nâng cao độ chính xác, minh bạch. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính phải gửi Chính phủ kết quả kiểm kê khí nhà kính sau khi được thẩm định bởi đơn vị thẩm định độc lập.
Do đó, Bộ TN&MT đề xuất, kết quả kiểm kê khí nhà kính của cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cần được thẩm định bởi đơn vị thẩm định độc lập.
Từ đó, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính để phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để tạo tín chỉ carbon.
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, đơn vị thẩm định là tổ chức có năng lực thẩm định được UNFCCC công nhận; hoặc được cấp chứng nhận được cấp chứng nhận tiêu chuẩn TCVN ISO 14065 về các yêu cầu đối với các tổ chức thẩm định và kiểm định khí nhà kính; hoặc có kỹ thuật viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học về kiểm kê khí nhà kính theo quy định của UNFCCC đối với lĩnh vực tương ứng.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đơn vị trong nước có năng lực thẩm định được UNFCCC công nhận hoặc có chứng nhận tiêu chuẩn TCVN ISO 14065. Số lượng kỹ thuật viên được cấp giấy chứng nhận của UNFCCC còn ít và cơ bản chưa đáp ứng được về nhu cầu trong tương lai. Nghị định 06 cũng chưa quy định chi tiết về điều kiện và quy trình nộp hồ sơ và tiến hành công bố đơn vị thẩm định.
Do đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng: i) Quy định chi tiết điều kiện, quy trình thực hiện để công bố đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; ii) Bổ sung điều kiện đối với đơn vị thẩm định, cụ thể: “… hoặc tổ chức có kỹ thuật viên được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học về kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực tương ứng và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn TCVN ISO 14064-3 về quy định kỹ thuật và hướng dẫn đối với thẩm định, kiểm định của các xác nhận khí nhà kính”.
Cơ sở nào được phân hạn ngạch phát thải khí nhà kính?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 và khoản 2 Điều 12, các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 5 sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, Bộ TN&MT cho biết một số cơ sở vẫn chưa cung cấp số liệu chi tiết để có căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Nhiệt điện phát thải nhiều khí nhà kính
Theo kinh nghiệm của các quốc gia đã vận hành thị trường carbon, trong giai đoạn đầu Chính phủ chỉ phân bổ hạn ngạch cho những lĩnh vực phát thải lớn. Ngoài ra, EU đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và áp dụng mức thuế carbon đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU gồm: sắt thép, nhôm, xi măng, điện, hydro, phân bón.
Mỹ cũng có kế hoạch áp dụng cơ chế CBAM đối với 8 mặt hàng có liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, các cơ sở có trách nhiệm nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần. Kết quả kiểm kê khí nhà kính là cơ sở để vận hành thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Vì vậy, thời điểm phân bổ hạn ngạch cần theo lộ trình phù hợp với thời điểm các cơ sở nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính.
Do vậy, dự thảo đề xuất bổ sung lộ trình phân bổ hạn ngạch, trong giai đoạn đầu sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng. Dự kiến có khoảng 200 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu, chiếm khoảng 45% tổng phát thải của các cơ sở phải thực hiện kiểm khê khí nhà kính.
Bổ sung ngành chăn nuôi vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính
Tại dự thảo này, Bộ TN&MT cũng bổ sung danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Danh mục bao gồm các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính thuộc các ngành công thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên; các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà thương mại, công ty kinh doanh vận tải hàng hoá tiêu thụ hằng năm 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; các cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm trên 65.000 tấn.
Trong quá trình rà soát và cập nhật danh mục trên, Bộ NN-PTNT, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đề xuất bổ sung cơ sở chăn nuôi (lợn, bò) quy mô lớn vào danh mục các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá hiện trạng trong nước và trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương thống nhất đề xuất bổ sung ngành chăn nuôi vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.
Nguồn: Vietnamnet
#VIoT #VEEP #ESG #LOW_CARBON #CBAM #EUDR #CSDDD #GIAI_PHAP_NANG_LUONG_SACH #NETZERO #NANG_LUONG_XANH #TOA_NHA_XANH #NHÀ_MAY_XANH #SMART_INDUSTRIAL_4 #SMART_BUILDING #FOOT_CARBON #CARBON_FOOT #CARBON_ROADMAP #GRI #GREENHOUSE_GAS_EXPERT #SASB #DJSI #SAVING #LIGHTING #CHILLER #ENERGY_EFFICIENCY #ENSPARA #SOLAR #BEES #STORAGE #REAL_TIME #EeaaS #LaaS #EaaS #SUSTANABILITY #RENEWABLE #SMART_LIGHTING #MANAGEMENT #OPTIMIZATION #ENERGY #EFFICIENCY