Sáng ngày 29/06/2023, VIoT Technology Group vinh dự khi được mời tham dự buổi kết nối, chia sẻ, giao lưu tại Công ty May Sài gòn 3 do Ban thường trực hiệp hội may mặc TP.HCM tổ chức. Tại đây, đoàn được nghe giới thiệu về các hoạt động của công ty và tham quan quy trình của nhà máy Wash Jean với các trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến của Châu Âu. Công ty TNHH May Sài gòn 3 đi vào hoạt động từ năm 2018, với diện tích xây dựng 50.000 m2, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1: 30 triệu USD, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đánh giá LEED (tiêu chuẩn quốc tế tiên phong về xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống của con người.)
VIoT tham gia buổi giao lưu với vai trò đồng hành cùng hiệp hội may mặc TP.HCM để tư vấn và triển khai các giải pháp giúp xanh hoá ngành dệt may Việt Nam. Với cam kết của Chính phủ tại COP26 và sự yêu cầu từ các nhà nhập khẩu, việc xanh hóa ngành dệt may Việt Nam được coi là một yếu tố chiến lược quan trọng, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp trong ngành.
Xung quanh vấn đề xanh hóa ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chia sẻ: mới đây EU đã chính thức công bố lộ trình cấm tiêu hủy hàng dệt may không bán được. Ông Hiếu nhấn mạnh rằng điều này không phải là yêu cầu mới của EU, mà là một chiến lược phát triển dệt may bền vững và tuần hoàn đã được EU công bố từ tháng 3 năm 2022. Ông Hiếu cho biết: "EU xác định rằng ngành dệt may góp phần tạo ra lượng thải lớn nhất. Hiện nay, việc xử lý thông thường như đốt hoặc chôn lấp là cách rẻ nhất, nhưng lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt, một số sản phẩm sử dụng sợi tổng hợp, ngay cả khi chôn cất cả trăm năm cũng không thể phân huỷ. Bây giờ, yêu cầu mới là phải thực hiện tái chế hoàn toàn các sản phẩm này".
Hiện nay, nhiều thị trường lớn như EU đều yêu cầu các sản phẩm dệt may phải có tuổi thọ lâu dài và khả năng tái chế, tái sử dụng, nhằm giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm hiệu ứng nhà kính, cũng như giảm sử dụng nước và hoá chất độc hại. Đây thực sự là một thách thức đáng kể đối với ngành dệt may. Việc đáp ứng yêu cầu này đòi hỏi ngành dệt may phải tìm ra các giải pháp và công nghệ mới, từ việc thiết kế sản phẩm bền vững đến quy trình sản xuất có hiệu suất cao và ít tốn năng lượng. Đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng vật liệu thân thiện với môi trường, thúc đẩy tái chế và tái sử dụng sản phẩm. Đây là một bài toán lớn đòi hỏi sự đổi mới và hợp tác giữa các doanh nghiệp, chính phủ và các bên liên quan để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành dệt may.
Các giải pháp đang được áp dụng là hệ thống kết nối thông minh toàn diện hỗ trợ nền tảng IoT công nghiệp và nền tảng sinh thái phần mềm ứng dụng - kết nối Starlink, nối liền 7 “đảo dữ liệu” gồm: kho nguyên phụ liệu, trải cắt, phòng may, khâu hoàn thành, kho thành phẩm, không chỉ giúp các doanh nghiệp may mặc nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp hình thành một mô hình sinh thái tốt hơn trong chuỗi công nghiệp.